Những dưỡng chất cần thiết dành cho mẹ bầu
Khi mang thai, mẹ cần một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và đủ chất để giúp bé yêu phát triển tuần hoàn nhau thai, các cơ quan nội tạng và hệ xương.
Các chuyên gia khuyến khích mẹ có chế độ ăn uống cân bằng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Mẹ hãy tham khảo danh sách các dưỡng chất cần thiết dưới đây để xây dựng một thực đơn hợp lý trong thai kỳ nhé:
Canxi
Lượng canxi khuyến nghị dành cho bà bầu như sau:
- Ba tháng đầu : 1000 - 1200mg
- Ba tháng giữa : 1200 - 1500mg
- Ba tháng cuối : 1500 - 1800mg
Nếu chế độ ăn uống thiếu canxi, cơ thể mẹ sẽ huy động canxi từ xương để cung cấp cho bé. Chính điều này sẽ dẫn đến chứng chuột rút, đau hông, đau chân và đau khớp trong 3 tháng giữa thai kỳ. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến loãng xương, răng lung lay, ít sữa mẹ và nhiều vấn đề khác nữa.
Để có đủ canxi trong thời gian mang thai, mẹ hãy ăn các loại thực phẩm giàu canxi như thịt nạc, sữa và các sản phẩm từ sữa; vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ có thể uống bổ sung viên canxi với liều lượng vừa phải.
Vitamin
Vitamin là một trong những dưỡng chất rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của bé yêu. Để đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện, mẹ nhớ bổ sung đầy đủ các vitamin sau trong chế độ ăn uống của mình nhé.
Vitamin nhóm B có ảnh hưởng lớn đối với phụ nữ mang thai. Trong thời gian đầu của thai kỳ, Vitamin nhóm B không chỉ giúp phòng ngừa dị tật và bệnh tim bẩm sinh cho bé, mà còn giúp mẹ nuôi dưỡng hệ thần kinh và giảm buồn nôn. Vì thế, Vitamin nhóm B đặc biệt cần thiết nếu mẹ bị ốm nghén vào đầu thai kỳ, có những cơn buồn nôn vào đầu buổi sáng. Một số loại Vitamin nhóm B, chẳng hạn như Vitamin nhóm B12, chỉ có trong cá, thịt và sản phẩm từ sữa, vì thế nếu mẹ ăn chay thì phải uống bổ sung vitamin tổng hợp.
Ngoài ra, một số loại vitamin tan trong chất béo như Vitamin A, D, E và K khi dư thừa sẽ tồn trữ trong cơ thể. Vì thế, mẹ lưu ý không nên sử dụng quá liều bác sĩ khuyên dùng kẻo bị ngộ độc nhé.
Sắt
Phụ nữ mang thai cần 27mg Sắt mỗi ngày để tạo máu cần thiết cho vận chuyển oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng thai nhi.
Mẹ cần được xét nghiệm định kỳ để đảm bảo không bị thiếu Sắt. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy thiếu máu, mẹ cần được bổ sung chất Sắt ngay lập tức, hoặc uống viên Sắt hoặc ăn uống các loại thực phẩm giàu Vitamin C như nước cam, dâu tây, rau bina, ớt chuông, ngũ cốc, bánh mì..., nhằm giúp cơ thể hấp thụ Sắt dễ dàng hơn.
Axit Folic (còn gọi là folate)
Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ bổ sung 400mcg axit folit/ngày trước khi thụ thai hoặc trong thời gian đầu của thai kỳ, sẽ giảm được nguy cơ khuyết tật ống thần kinh (tật chẻ đôi đốt sống hoặc thiếu não) cho thai nhi. Ngoài ra, axit folic còn giúp giảm nguy cơ mắc các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch và bệnh tim bẩm sinh.
Mẹ có thể ăn các loại rau xanh (rau bina, cải diếp, măng tây, bắp cải và bông cải), gan, các loại đậu, trái cây (chuối, dâu tây và cam) và các sản phẩm làm từ sữa để bổ sung axit folic. Bên cạnh đó, mẹ có thể uống bổ sung axit folic, liều 400mcg/ngày khoảng 3 tháng trước khi có thai.
Chất đạm
Chất đạm được ví như “chất liệu xây dựng” tối quan trọng cho cơ thể. Vì thế, phụ nữ mang thai cần phải bổ sung đầy đủ chất đạm trong suốt thai kỳ, đặc biệt là từ 3 tháng giữa thai kỳ.
Trong giai đoạn đó, mẹ cần 80-90g chất đạm mỗi ngày (một ly sữa dành cho bà bầu chứa 9g đạm). Chẳng hạn, mẹ có thể bổ sung 1 hũ yaourt vào buổi sáng, 1 chén chè đậu xanh buổi trưa và một lát bánh mì phết bơ đậu phộng, hoặc 85g thịt nạc đỏ vào bữa tối, 1 ly sữa dành cho bà bầu trước khi đi ngủ 2- 3 giờ